Cán bộ Mặt trận cần phải có kỹ năng giám sát
Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong bảy quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Chương V Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để thực hiện tốt các hình thức giám sát, cán bộ Mặt trận cần phải có kỹ năng giám sát. Bài viết trình bày một số vấn đề về kỹ năng giám sát của cán bộ Mặt trận để thực hiện trong thực tiễn ở mỗi cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy, UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Chương trình GSPBXH năm 2023
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Theo quy định tại Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều 2 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bao gồm:
a) Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
b) Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
c) Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
d) Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
đ) Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
e) Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
g) Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều 4 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, bao gồm:
a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
b) Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.
c) Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.
d) Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước
Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước được quy định tại Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, bao gồm:
a) Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành.
b) Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thông tin kịp thời cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam việc thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
c). Cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
d). Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả.
Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhân dân
Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhân dân được quy định tại Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, bao gồm:
a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết Nhân dân; động viên, hỗ trợ Nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tham gia các hoạt động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tổ chức.
c) Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân tham gia ý kiến, phản ánh, kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
d) Nhân dân giám sát hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo đảm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
đ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện trách nhiệm của mình với Nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức
Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức được thực hiện theo Điều 9 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, bao gồm:
a) Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
b) Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp, tổ chức không phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là quan hệ tự nguyện, được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ GIÁM SÁT CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Theo quy định tại Chương V Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định, hoạt động giám sát bao gồm các vấn đề sau đây:
Tính chất, mục đích và nguyên tắc giám sát
Theo quy định tại Điều 25 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:
a) Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.
b) Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính Nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
c) Hoạt động giám sát được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
Đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát
Theo quy định tại Điều 26 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ chính trị, thì đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:
a) Đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.
b) Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì giám sát đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 của mục này.
Từ nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, do vậy khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật nào đó thì cán bộ Mặt trận phải nắm vững kiến thức về chính sách, pháp luật đó. Ví dụ: Khi giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thì cán bộ Mặt trận phải nắm vững pháp luật khiếu nại, pháp luật tố cáo. Khi giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng thì phải nắm vững nghị quyết, quyết định, quy định của cấp ủy Đảng. Ví dụ: Khi giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên thì phải nắm vững Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 2/2/2018.
Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.
Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện giám sát đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.
Hình thức giám sát
Theo quy định tại Điều 27 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 4 hình thức sau đây:
a) Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
b) Tổ chức đoàn giám sát.
c) Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
d) Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát
Theo quy định tại Điều 28 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát bao gồm:
a) Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát; quyết định thành lập đoàn giám sát và tổ chức hoạt động giám sát theo kế hoạch hoặc khi cần thiết.
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.
c) Xem xét khách quan, khoa học những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.
d) Tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị sau giám sát khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
đ) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
e) Ban hành hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan ban hành văn bản về kết quả giám sát; chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát.
g) Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.
h) Khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người có thành tích trong hoạt động giám sát.
Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát
Theo quy định tại Điều 28 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát bao gồm:
a) Được thông báo trước về nội dung, kế hoạch giám sát.
b) Báo cáo bằng văn bản theo nội dung giám sát; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; báo cáo bổ sung, làm rõ những vấn đề liên quan.
c) Trình bày ý kiến về các nội dung liên quan thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
d) Đề nghị xem xét lại kiến nghị sau giám sát, đối thoại để làm rõ nội dung các kiến nghị đó khi cần thiết.
đ) Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát.
e) Xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
g) Thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kỹ năng công tác giám sát
Công tác Mặt trận đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có rất nhiều kỹ năng như: Kỹ năng lắng nghe, quan sát, giao tiếp, tham vấn, đối thoại, ghi chép, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tin học văn phòng…
Các Trung tâm bồi dưỡng cán bộ Mặt trận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phải bồi dưỡng kiến thức cơ bản về kỹ năng cho cán bộ Mặt trận chuyên trách, không chuyên trách để thực hiện công tác giám sát xã hội được hiệu quả ngày càng tốt hơn
Để thực hiện tốt công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, cán bộ Mặt trận cần nắm vững các kỹ năng theo quy trình giám sát sau đây:
Kỹ năng xây dựng kế hoạch giám sát
Kế hoạch giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp gồm kế hoạch giám sát hàng năm và kế hoạch giám sát chuyên đề, vụ việc cụ thể (nếu có).
Kế hoạch giám sát phải quy định rõ: Mục đích, yêu cầu; Chủ thể giám sát, chủ thể được giám sát; Nội dung giám sát; Hình thức giám sát; Lĩnh vực, địa bàn giám sát; Thời gian, địa điểm giám sát; Thành phần tham dự giám sát; Các điều kiện bảo đảm giám sát.
Kế hoạch giám sát hàng năm ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì xây dựng và ban hành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì hiệp thương, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc và lựa chọn các hình thức giám sát phù hợp với từng nội dung giám sát để xây dựng kế hoạch của năm sau.
Trên cơ sở dự thảo kế hoạch giám sát hàng năm đã được hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trao đổi thống nhất với các cơ quan hữu quan cùng cấp về dự thảo kế hoạch giám sát.
+ Ở Trung ương, dự thảo kế hoạch giám sát có sự thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
+ Ở cấp tỉnh, dự thảo kế hoạch giám sát có sự trao đổi với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
+ Ở cấp huyện, cấp xã, dự thảo kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Sau khi đã thống nhất với cơ quan nhà nước cùng cấp, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ban hành kế hoạch giám sát và báo cáo với cấp ủy cùng cấp trước khi triển khai thực hiện, để việc tổ chức hoạt động được chủ động và được bảo đảm các điều kiện về chính trị, pháp lý và kinh phí hoạt động.
+ Kế hoạch giám sát từng quý, 6 tháng và hàng năm của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thông qua sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
+ Kế hoạch giám sát được gửi đến cơ quan, tổ chức được giám sát. Khi làm việc với các chủ thể được giám sát sẽ xuất hiện nhiều tình huống cụ thể, người chủ trì cuộc giám sát và các thành viên được giám sát phải vận dụng các kỹ năng về giao tiếp linh hoạt; kỹ năng quan sát, lắng nghe; kỹ năng truyền cảm hứng, tạo không khí thân mật, vui vẻ; kỹ năng đối thoại, tham vấn; kỹ năng ghi chép; kỹ năng xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giám sát…
Tổ chức thực hiện giám sát
Căn cứ vào quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kế hoạch giám sát đã được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành tổ chức thực hiện giám sát.
Trước khi tiến hành công việc giám sát, các thành viên trong đoàn giám sát phải nghiên cứu, các văn bản, tài liệu, nắm vững quy định chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung giám sát.
Trong quá trình giám sát, cơ quan chủ trì giám sát có thể kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện giám sát tại cơ sở, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến mục đích, nội dung giám sát và vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, theo dõi, phát hiện và phản ánh kiến nghị.
Kỹ năng xây dựng báo cáo kết quả giám sát và ban hành văn bản kiến nghị sau giám sát
Đây là khâu quan trọng sau khi hoàn thành công tác giám sát, người lãnh đạo cuộc giám sát phải phân công cán bộ có kỹ năng ghi chép, biên tập bản báo cáo kết quả giám sát và đề xuất các kiến nghị sau giám sát để gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp là chủ thể được giám sát.
Thứ nhất, báo cáo phải nêu đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật của chủ thể được được giám sát, trong đó nêu rõ những ưu điểm, tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và những số lượng về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật (nếu có) nhất là những chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Nếu có bảng thống kê cụ thể số liệu về kết quả và yếu kém kèm theo thì cần có phụ lục hoặc nêu cụ thể trong từng nội dung giám sát.
Thứ hai, phần kiến nghị sau giám sát cần nêu rõ, cụ thể từng nội dung kiến nghị và đề nghị chủ thể được giám sát nghiên cứu, xem xét và trả lời kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo dõi, giám sát việc xem xét, trả lời kiến nghị của chủ thể được giám sát, sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Việc theo dõi, giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị sau giám sát của cơ quan, tổ chức được giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu cơ quan, tổ chức trả lời đầy đủ các kiến nghị và đúng thời gian quy định của pháp luật và tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì đó là kết quả và hiệu quả cao nhất trong hoạt động giám sát.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không xem xét giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị đúng thời gian quy định của pháp luật; chỉ tiếp thu một phần và phản hồi lại những kiến nghị khác, thì tùy theo các trường hợp cụ thể, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn cách làm phù hợp sau đây:
Một là, gửi văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiến nghị chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát phải xem xét, giải quyết, trả lời nội dung kiến nghị giám sát. Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.
Hai là, đối với những kiến nghị mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không tiếp thu và phản hồi lại, thì mời đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân đến cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đối thoại.
Ba là, phát biểu, phản ánh trong các cuộc họp định kỳ hàng tháng, hàng quý của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; phát biểu trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền.
Bốn là, thực hiện các quyền và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bãi nhiệm, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (theo quy định tại Điều 31 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015).
Năm là, thông báo trong các báo cáo hằng tháng gửi cấp ủy Đảng cùng cấp; báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ (đối với Trung ương), gửi Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (đối với địa phương) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét kiến nghị và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sáu là, cung cấp thông tin và đề nghị cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh, đưa tin yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát phải xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đỗ Duy Thường - Ủy viên đoàn Chủ tịch,
nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguyễn Thị Dung st (Nguồn: mattran.org.vn)
Cập nhật ngày: 26/02/2024