MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa 87 năm một chặng đường
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta được lưu truyền qua các thế hệ
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta được lưu truyền qua các thế hệ. Nhận thức rõ vai trò to lớn của sức mạnh đại đoàn kết, ngay sau khi Đảng ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh. Đây là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau từ Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đến Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, Mặt trận dân chủ Đông Dương, Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận đã trở thành vũ khí chính trị không thể thiếu được để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phát huy truyền thống vùng đất có bề dày lịch sử, yêu nước và cách mạng, trong suốt 87 năm phấn đấu, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa luôn làm tròn xứ mệnh lịch sử được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân giao phó.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển các cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng ở Thanh Hóa. Trên cơ sở ba Chi bộ đầu tiên được thành lập, ngày 29-7-1930 Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời. Ngay tại Hội nghị thành lập, Đảng bộ đã thảo luận và quyết định các nội dung đối với công tác quần chúng mà nhiệm vụ cụ thể là “xây dựng các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ. Trên cơ sở phát triển tổ chức quần chúng, từng bước đưa phong trào tiến lên hòa nhịp với phong trào chung”([1]). Sau khi Đảng bộ tỉnh thành lập, các hình thức hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất đã được thành lập như: Nông hội đỏ, Công hội đỏ. Các hoạt động của Công hội đỏ trong các nhà máy với nhiều hình thức như rải truyền đơn, đình công phản đối đánh đập, cúp phạt; Nông hội đỏ với các cuộc đấu tranh của nông dân đòi cải lương hương tục, đòi bãi bỏ những tục lệ đóng góp nặng nề..
Trong phong trào dân chủ 1936-1939, các phong trào đấu tranh của quần chúng của Hội tương tế Ái Hữu, phong trào chống cường hào của nông dân, các cuộc đấu tranh của công nhân tại các huyện Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa gây được tiếng vang tạo thành làn sóng mạnh mẽ.
Từ sau Hội nghị Trung ương VIII (5/1941), ở Thanh Hóa phong trào Mặt trận phản đế cứu quốc, xây dựng các đội tự vệ, cơ sở cách mạng tiêu biểu như Chiến khu Ngọc Trạo. Đầu năm 1943 Tỉnh ủy lâm thời quyết định chuyển “Thanh Hóa ái quốc hội thành “Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa”, Tỉnh ủy Thanh Hóa kiêm Tỉnh bộ Việt Minh, đến giữa năm 1943, Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa đã kết nạp 500 thành viên. Năm 1944, phong trào đấu tranh ở Thanh Hóa đã có tính chất toàn dân, nhân dân tự võ trang chuẩn bị khởi nghĩa. Quán triệt Chỉ thị của Trung ương về việc phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói, Mặt trận Việt Minh tỉnh đã tích cực tập hợp quần chúng nhân dân tham gia cứu đói với các khẩu hiệu “Quyết giữ lấy thóc mà ăn”, “Không để lọt một hạt thóc vào tay Nhật - Pháp”. Từ giữa năm 1945 hoạt động của Việt Minh Thanh Hóa đã công khai và áp đảo kẻ thù, tại nhiều địa phương trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, quần chúng nhân dân đã bao vây, đánh chiếm phủ lỵ giành chính quyền về tay nhân dân, hoàn thành cách mạng Tháng Tám cùng chung cả nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược, mặc dù chính quyền nhân dân còn non trẻ, chế độ dân chủ vừa được thiết lập nhưng đồng bào các dân tộc, tôn giáo tỉnh nhà đã đoàn kết một lòng trong Mặt trận Việt Minh kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng. Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã đoàn kết toàn dân xây dựng, bảo vệ Thanh Hóa, củng cố hậu phương chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của Thanh Hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận “Bây giờ tiếng Việt Nam đi đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đi đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đi đến đâu, đồng bào Thanh Hóa có một phần vinh dự đến đó”.
Bước vào thời kỳ đất nước thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Mặt trận đoàn kết nhân dân trong tỉnh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, bước đầu xây dựng CNXH; tiếp tục chiến đấu bảo vệ hậu phương, thi đua sản xuất chi viện cho chiến trường miền Nam với phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 ấy có sự góp sức của đất và người xứ Thanh như Hàm Rồng, Nam Ngạn, Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường....
Đất nước hòa bình thống nhất và trên con đường đổi mới, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tiếp tục mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động nhân dân chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường vươn lên, khai thác mọi tiềm năng và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất kinh doanh, học tập, công tác; tích cực tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trong những năm qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”mà từ năm 2016 là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh triển khai đã tạo được chuyển biến tích cực. MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức các tầng lớp nhân dân đóng góp bằng tiền mặt hàng ngàn tỷ đồng, hiến hàng chục ngàn ngày công lao động và trên 1000 ha đất để cải tạo, nâng cấp và làm mới đường giao thông nông thôn; chỉnh trang, cải tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Các cuộc vân động “Ngày vì người nghèo,” “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”đã được các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tích cực tham gia.
Việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân gắn với các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập MTTQ Việt Nam ở các khu dân cư tiếp tục được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nội dung, hình thức phong phú, thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân tham gia.
Các phong trào, các cuộc vận động đã thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tích cực của các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng, giữa gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Để thực sự là cầu nối tin cậy giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, là trung tâm đại đoàn kết, MTTQ các cấp đã tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ chính trị. MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức trên 3.700 cuộc giám sát, gần 900 cuộc phản biện; hoạt động góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...
Công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tập hợp, vận động đồng bào Thanh Hóa đang sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thường xuyên quan tâm. Xây dựng, duy trì mối quan hệ với Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn; ký Bản ghi nhớ tăng cường phối hợp xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình hữu nghị; tăng cường hợp tác, trao đổi phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự.
Với những đóng góp to lớn của mình, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng 03 Huân Chương Lao động (Hạng Nhất, Nhì, Ba) và 02 Huân Chương Độc lập hạng Nhì; nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng các phần thưởng cao quý khác.
Tự hào về truyền thống đoàn kết yêu nước của người dân Thanh Hóa, về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhận thức sâu sắc về những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức của đất nước; hơn lúc nào hết cần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Trước hết, cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân; chú trọng công tác tập hợp phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Phấn đấu có 100% khu dân cư tổ chức đước ngày hội Đại đoàn kết toàn dân nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.
Hai là: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng 2 cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Phát huy ý chí tự lực, tự cường, vận động đông đảo các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia thi đua sản xuất, kinh doanh nâng cao mức sống của người dân, góp phần thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển văn hóa xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.
Ba là:. Quan tâm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14- CP - ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017; quan tâm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước.
Bốn là: Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, mở rộng hợp tác quốc tế với mục tiêu: Xây dựng, củng cố tình đoàn kết hữu nghị của Nhân dân Thanh Hóa với các nước, các tỉnh kết nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đối ngoại cuả tỉnh. Xây dựng tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Lào, Thanh Hóa- Hủa Phăn; Thanh Hóa với các tỉnh bạn và các nước trên thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về Thanh Hóa trong mắt bạn bè.
Năm là: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên theo hướng sát dân, sát cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận đủ số lượng, có trình độ, năng lực vận động, tập hợp quần chúng trong thời kỳ mới.
Sự hình thành và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh 87 năm qua là minh chứng sinh động, khẳng định: Đại đoàn kết toàn các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh là điều kiện tiên quyết giúp chuyển hoá sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất to lớn, là công cụ sắc bén để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2016), Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy về dự, chung vui Ngày hội đại đoàn kết với nhân dân Thôn 1, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Ảnh: Phong Sắc)
Th. sỹ Nguyễn Văn Tòng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa
Cập nhật ngày: 05/10/2018