Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa
Toạ đàm khoa học về thân thế, sự nghiệp của Nhà Sử học Lê Văn Hưu

Tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Cung cấp thêm nguồn tư liệu và góp thêm tiếng nói về thân thế, sự nghiệp của Nhà Sử học Lê Văn Hưu”.

Tượng đồng Nhà Sử học Lê Văn Hưu.

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Từ nhỏ ông đã sớm thể hiện tư chất thông minh và có chí hướng lập công danh làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Năm 18 tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần lấy Khôi nguyên. Bảng nhãn Lê Văn Hưu là tác giả của tác phẩm lịch sử nổi tiếng Đại Việt sử ký, bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước Công nguyên đến năm 1244). Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen và được Ngô Sĩ Liên - sử thần thời Hậu Lê căn cứ để biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”. Lê Văn Hưu vì thế đã trở thành Tổ sư của nền sử học Đại Việt - Việt Nam.

Đền thờ Nhà Sử học Lê Văn Hưu

Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có tư tưởng thấm nhuần đạo lý của Nho giáo, nên trong quá trình làm quan ông luôn yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của nhân dân và cống hiến, phụng sự triều đình, với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất vào năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung, Thiệu Hoá vẫn còn phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều báo cáo khoa học, tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam và chuyên gia sử học của các nước: Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nội dung chủ yếu của buổi tọa đàm xung quanh về thân thế, sự nghiệp của Nhà sử học Lê Văn Hưu như: Lê Văn Hưu, thời đại, quê hương và hành trang; Sự nghiệp sử học của Lê Văn Hưu; Bảo tồn và hát huy giá trị di sản Lê Văn Hưu…

Nội dung các báo cáo, tham luận phong phú, sinh động, có cơ sở, luận cứ khoa học về thân thế, sự nghiệp của Nhà sử học Lê Văn Hưu và những đóng góp của ông đối với nền sử học nước nhà. Đặc biệt, chuyên gia Sử học người Hàn Quốc đã có bài tham luận bằng tiếng Anh về thân thế, sự nghiệp của Nhà sử học Lê Văn Hưu.

Kết luận buổi Toạ đàm khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo lần này được tổ chức để các Nhà sử học cung cấp thêm nhiều nguồn tư liệu tiếp tục khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của Nhà sử học Lê Văn Hưu và bộ “Đại Việt sử ký” đối với lịch sử dân tộc.

Trên cơ sở thành công của các hội thảo đã tổ chức trước đây và buổi tọa đàm khoa học lần này, đề nghị các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu để được UNESCO công nhận Lê Văn Hưu là danh nhân văn hoá thế giới vào dịp kỷ niệm 800 năm ngày mất của ông.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Cập nhật ngày: 03/03/2023

  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 98

    Hôm nay: 797

    Đã truy cập: 4454139

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH THANH HÓA

Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Địa chỉ: Số 16 Hạc Thành, P. Tân Sơn, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá

Ghi rõ nguồn "mttq.thanhhoa.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này