Danh xưng Thanh Hóa, niềm tự hào 990 năm
Vào ngày 8/5/2019, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1029-2019). Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định niềm tự hào về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của xứ Thanh anh hùng trong dòng chảy lịch sử dân tộc
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, tỉnh Thanh Hóa có vị thế đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thanh Hóa tự hào là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ phong kiến; là đất “thang mộc” của các bậc quân vương và dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh; là địa bàn trọng yếu, “phên dậu” của đất nước; là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, đồng hành cùng với sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.
Truyền thống và bề dày lịch sử, vị thế của Thanh Hóa đã được khẳng định và ghi chép khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ trong các bộ chính sử từ thời cổ đại đến cận đại, trong các thư tịch, văn bia và các công trình nghiên cứu từ xưa đến nay. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào lúc nào thì sử sách lại ghi chưa đầy đủ, chính xác, thiếu thống nhất, dẫn đến có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, làm cho việc xác định niên đại ra đời của Danh xưng Thanh Hóa trở nên hết sức khó khăn, phức tạp. Thông qua 3 cuộc hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, dựa vào các căn cứ khoa học và thực tiễn để khẳng định. Các tư liệu để chứng minh sự xuất hiện của Danh xưng Thanh Hóa, như: Bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục của các sử thần triều Nguyễn; sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi; công trình nghiên cứu Đất nước Việt Nam qua các đời của Giáo sư Đào Duy Anh... đã được nhiều nhà sử học, nhà khoa học Trung ương, các tỉnh trong cả nước và tỉnh nhà thống nhất năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa là năm 1029 (năm Thiên Thành thứ 2, đời vua Lý Thái Tông), đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa.
Cùng với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là địa danh có truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, có những đóng góp to lớn mang dấu ấn lịch sử trong công cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc. Do vậy, việc xác định được năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định bề dày truyền thống lịch sử hào hùng của con người và miền đất xứ Thanh anh hùng, cách mạng, giàu truyền thống nhân văn, khoa bảng.
Kỷ niệm 990 năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa nhằm phát huy những giá trị, ý nghĩa của Danh xưng, phục vụ xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đó cũng chính là những hoạt động nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp, nhân lên niềm tin tưởng tự hào về lịch sử dân tộc và vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, quê hương của “Tam vương, nhị chúa”, của nền văn hiến và khoa bảng; là nguồn cội sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; chung sức, đồng lòng xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo về Danh xưng Thanh Hóa (Ảnh Lê Nam)
Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng tới Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương
Hướng đến Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương được tổ chức vào ngày 8/5/2019, sẽ có các hoạt động chính, như: Cuộc thi "Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương”; phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa; tổ chức đúc Cao đỉnh, lễ hội đền Đồng Cổ; đầu tư tôn tạo, tu bổ một số di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; xuất bản sách về truyền thống lịch sử; xây dựng các phim tư liệu, phóng sự phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và tỉnh; tổ chức triển lãm trưng bày tư liệu, tài liệu lưu trữ, sách báo, hình ảnh, hiện vật “Thanh Hóa xưa và nay”; khởi công, khánh thành các công trình chào mừng kỷ niệm… Bên cạnh đó còn có các hoạt động bên lề sự kiện, như: dâng hoa, dâng hương tại các di tích lịch sử, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, lễ hội. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức trọng thể vào tối ngày 8/5/2019 tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát Thanh và Truyền hình Thanh Hóa tiếp sóng trên một số đài địa phương.
Để các tầng lớp nhân dân hiểu biết sâu sắc về giá trị, ý nghĩa lịch sử, sử liệu ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Trong đó, cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu về mốc xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa - năm 1029, đồng thời tuyên truyền về vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn mang dấu ấn lịch sử của con người và vùng đất Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Giáo dục truyền thống lịch sử; tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các triều đại, vua chúa, công thần, anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuyên truyền về những đóng góp to lớn của Thanh Hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, về những thành tựu của tỉnh ta trong thời kỳ đổi mới. Cùng với đó, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa và những thành tựu đạt được trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thanh Hóa đối với bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế. Công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, đậm nét; tần suất tuyên truyền phù hợp theo kế hoạch tổ chức kỷ niệm, với ba đợt trọng tâm trước, trong và sau lễ kỷ niệm. Gắn tuyên truyền kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp. Công tác tuyên truyền phải tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của mỗi người dân, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, tạo nên khí thế mới, sức mạnh mới, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, chung sức, đồng lòng xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn trong lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa (20/02/1947).
Tiến sỹ Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Cập nhật ngày: 23/04/2019