MTTQ huyện Như Thanh với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển mô hình kinh tế trang trại
Như Thanh là huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên là 58,829ha
Như Thanh là huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên là 58,829ha, dân số trên 90.000 ngưởi, với 16 xã và 1 thị trấn, có 195 khu dân cư. Trên địa bàn huyện có 3 dân tộc chính sinh sống đoàn kết từ bao đời nay là dân tộc Thái, Mường, kinh và một số dân tộc khác.
Thực hiện các văn bản của Trung ương và tỉnh về việc phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn, đô thi văn minh, cấp ủy, chính quyền huyện Như Thanh đã cụ thể hóa các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. UBND huyện đã ban hành nhiều đề án về phát triển kinh tế: Đề án số 151 ngày 19/11/2015 về nâng cao năng suất chất lượng sản xuất mía nguyên liệu giai đoạn 2015-2020; Đề án số 164 ngày 16/11/2016 về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa huyện Như Thanh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025; Đề án số 127 ngày 05/12/2006 về phát triển rừng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng phát triển rừng lim xanh giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến 2030; Đề án số 107 ngày 01/8/2017 về sản xuất rau an toàn.
Để nội dung Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng thực sự đi vào cuộc sống. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động Nhân dân qua các hội nghị tập huấn, các buổi tọa đàm, hội thảo, trên các phương tiện truyền thông, hệ thống loa phát thanh. Vận động Nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, dần hình thành vùng lúa năng suất, chất lượng, vùng cây ăn quả, khu chăn nuôi tập trung, trang trại gia súc, gia cầm tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến nay trên địa bàn huyện Như Thanh có rất nhiều mô hình kinh tế trang trại đem lại hiệu quả cao, điển hình như:
- Mô hình phát triển trang trại tổng hợp của Ông Trần Viết Minh, hội viên hội Cựu chiến binh tại thôn 8 xã Xuân Du. Với diện tích hơn 3ha, cây trồng chủ yếu là mía, Thanh Long ruột đỏ, bưởi Diễn, đào cảnh, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Giải quyết việc làm thường xuyên từ 10-15 lao động, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Mô hình mang lại thu nhập cho gia đình hàng năm trên 100 triệu đồng, riêng năm 2017 là 735 triệu đồng.
Mô hình trang trại tổng hợp gia đình ông Trần Viết Minh xã Xuân Du
Mô hình của gia đình bà Hàn Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3 xã Phúc Đường. Với diện tích 48,5ha, 1/3 diện tích đồi có độ dốc cao được trồng cây Keo, 1/3 diện tích đồi thấp hơn trồng cây Đào cảnh, diện tích còn lại trồng các cây ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình bà Lan cho thu nhập hàng năm từ 400-500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20-25 lao động với thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân Lê Đình Trúc tại thôn Hùng Sơn xã Yên Thọ. Với diện tích 2.000m2, 1.000m2 làm nhà lưới trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, 1.000m2 còn lại gia đình trồng các loại nấm, mộc nhĩ, ngoài ra còn phát triển mô hình mạ khay, đầu tư các loại máy cấy, máy gặt. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông Trúc gần 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương.
Mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên Quách Văn Bộ, dân tộc Mường, tại thôn Đồng Mọc xã Mậu Lâm. Chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGap, quy mô 2.000-2.500 con, thu nhập mỗi năm từ 200-300 triệu đồng.
Những mô hình trang trại trên địa bà huyện Như Thanh đã và đang phát huy tác dụng, là cách làm đúng hướng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi.
Từ những kết quả đạt được nêu trên, Mặt trận Tổ quốc huyện Như Thanh rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động như sau:
Một là, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền đối với quá trình tổ chức thực hiện..
Hai là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chính là lực lượng nòng cốt của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân.
Ba là, cần phải coi trọng việc xây dựng các mô hình điểm để học tập, rút kinh nghiệm, tạo sức lan tỏa trên địa bàn huyện.
Bốn là, chú trọng công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các mô hình.
Những sản phản của các mô hình trang trại của Như Thanh , đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trở thành hàng hóa tiêu dùng tin cậy của mọi nhà, đó là sự khẳng định vai trò của một hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của huyện miền núi Như Thanh.
Cập nhật ngày: 05/10/2018