Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, bóp méo và xét lại lịch sử của các thế lực thù địch
Hơn 92 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, ở trong và ngoài nước vẫn có những thế lực thù địch, tổ chức và cá nhân xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, xét lại lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng hòng làm giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Các thế lực thù địch, xét lại, cơ hội chính trị đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử nhằm tuyên truyền sai lệch, làm cho một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc, nhất là giới trẻ, hoài nghi, phai nhạt niềm tin đối với Đảng, chia rẽ Đảng với Nhân dân, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên đài VOA, RFA, RFI, BBC cũng như một số trang mạng YouTube, Twitter, Facebook của các tổ chức Việt Tân, Triều đại Việt, Tiếng dân, KTV, Tivi tuần san, TV24, Góc nhìn W.C, N10TV… thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, hội luận để xuyên tạc các sự kiện lịch sử dân tộc.
1. Về Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Mở đầu Tuyên ngôn, Người viết: "Hỡi đồng bào cả nước, "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Người cũng trích dẫn bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Bất kỳ ai cũng thấy rõ Bác đã trích dẫn nguồn xuất xứ đoạn trích một cách khoa học và công khai hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp để làm căn cứ khẳng định người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng như bất cứ người dân và dân tộc nào trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Ấy thế mà ngày 21/7/2020 trên YouTube của một luật sư người Mỹ gốc Việt đã ngang nhiên nói rằng, sở dĩ có đoạn trích bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ là do thiếu tá Archimedes Patti, thành viên biệt đội Con Nai của Mỹ đã cố vấn góp ý cho cụ Hồ trong quá trình soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Thậm chí Y còn mượn lời người khác cho rằng cụ Hồ “đạo văn”.
Đây là sự bịa đặt lịch sử trắng trợn nhằm bôi nhọ, hạ bệ thần tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta đều biết, thiếu tá Archimedes Patti - Trưởng ban Đông Dương của OSS (Cơ quan Phục vụ Chiến lược Mỹ), Trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ có mặt tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật tại Bắc Đông Dương. Do có những quan hệ tốt với Việt Minh trước đó, nên sau khi viết xong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Archimedes Patti vinh dự được làm người nước ngoài đầu tiên nghe toàn văn văn kiện đặc biệt này trước khi Người công bố với quốc dân và quốc tế. Trong cuốn hồi ký “Why Viet Nam?” (Tại sao Việt Nam) xuất bản năm 1980, Archimedes Patti đã kể rất chi tiết việc được mời đến nghe Bản thảo Tuyên ngôn Độc lập như sau: “Ông Hồ gọi một người ở buồng bên mang bản thảo tới và đưa cho tôi với một dáng thỏa mãn. Rõ ràng trong việc khởi thảo bản này đã có bàn tay già dặn của ông. Bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa và được viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề. Tôi ngây ra và ông Hồ thấy ngay là tôi không thể đọc được. Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe. Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản Tuyên ngôn của chúng ta. Câu tiếp sau là “Lời tuyên bố bất hủ này đã được nêu lên trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776”. Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản tuyên ngôn của ông không... Ông Hồ dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào môi một cách nhẹ nhàng và đang như suy tưởng. Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng câu ấy được à?”. Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng. “Tất nhiên”, tôi trả lời, “tại sao lại không?”. Thế là đã rõ. Khi được nghe Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo Archimedes Patti mới biết trong đó có đoạn trích Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776. Sự thật trong hồi ký của Archimedes Patti đã vạch trần sự xuyên tạc, bịa đặt lịch sử một cách nham hiểm của nhóm “cờ vàng”, dân chủ cuội. Chúng thường sử dụng các sự kiện có thật để tung hô khen ngợi lấy lòng công chúng, nhưng sửa chữa và thêm thắt các tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi được tung ra như một dạng thông tin chính thống. Những thủ đoạn kiểu này thường được thực hiện khá tinh vi, nên khi tiếp cận thông tin không chỉ những người có nhận thức hạn chế, phiến diện mà đôi khi cả những người có học hàm học vị, học rộng hiểu nhiều, kinh nghiệm sống phong phú cũng có thể bị mắc lừa, hoang mang tin theo.
2. Về sự kiện “Tuần lễ vàng” năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động
Sau khi chúng ta giành được chính quyền từ tay Phát xít Nhật, ngân khố quốc gia trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, chính quyền mới chưa thu được thuế, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580.000 đồng rách nát chờ tiêu hủy, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng. Trước tình hình đó, chỉ hai ngày sau khi nước nhà độc lập, ngày 4/9/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký ban hành Sắc lệnh số 04-SL về việc lập “Quỹ Độc lập”, định rõ: Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong nước một quỹ thu nhận các món tiền, đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ và ủng hộ nền độc lập của quốc gia. Quỹ này gọi là Quỹ Độc lập.
Cùng thời gian này, Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động khuyến khích người dân đóng góp ngân sách quốc gia nhằm tháo gỡ sự khó khăn về mặt tài chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời cũng được người dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Trong thư gửi đồng bào cả nước, Người nêu rõ: "Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào, nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa của Tuần lễ vàng là ở đó... Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc". Kết quả: “chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng”.
Sự thật lịch sử ấy người dân trong nước, ngay các em học sinh phổ thông cũng biết rõ. Thế mà ngày 16/4/2020 trên YouTube một luật sư tự xưng người yêu nước đã bịa đặt rằng: “Sau khi quần chúng cướp được chính quyền tại Hà Nội ngày 19/8, thì ông cụ Nguyễn Hải Thần lúc đó ở Trung Quốc, ông thấy rằng, chết rồi, ông không về tranh giành quyền lực là không được, và ông phải nhờ hai tướng của Trung Quốc là Lư Hán và Tiêu Văn giúp cho ông 20 vạn quân của Trung Hoa quốc dân đảng tiến vào Việt Nam về Hà Nội… Khi về đến Hà Nội rồi đó, thì ông cụ Nguyễn Hải Thần yêu cầu thành lập chính phủ liên hiệp. Đứng trước sự áp lực của ngoại bang 200 ngàn quân, ông Hồ Chí Minh đã phát động một cái phong trào gọi là tuần lễ vàng, ông Hồ Chí Minh đã dùng số tiền vàng đó để đấm vào mõm hai tướng Lư Hán và Tiêu Văn để hai ông tướng đó không có quậy đất nước Việt Nam mình, không làm cho người dân Việt Nam mình phải khổ sở thêm, để hai ông đó phải rút quân về nước”.
Chỉ với một sự kiện lịch sử nêu trên, kẻ luôn vỗ ngực là người yêu nước đã 3 lần xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử.
Thứ nhất: Sự kiện 20 vạn quân Tưởng vào miền Bắc Việt Nam là dựa vào nghị quyết hội nghị Pốtxđam (17/7-2/8/1945) để giải giáp vũ khí quân Nhật mà Nguyễn Hải Thần đã núp quân Tưởng theo vào chứ không phải do Nguyễn Hải Thần nhờ Lư Hán và Tiêu Văn giúp cho 20 vạn quân Tưởng hộ tống Nguyễn Hải Thần vào Bắc Việt Nam.
Thứ hai: Mục đích của “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng” nhằm giải quyết khó khăn về mặt tài chính, duy trì hoạt động của chính quyền nhân dân, mua sắm vũ khí, trang bị để bảo vệ độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời chứ không phải để đấm vào mõm hai tướng Lư Hán và Tiêu Văn.
Thứ ba: Việc 20 vạn quân Tưởng rút khỏi Việt Nam theo Hiệp ước Trùng Khánh giữa Pháp và Tưởng (28/2/1946), theo đó: Pháp đồng ý trả lại cho quân Tưởng các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông; trả lại đất mướn Quảng Châu Loan và bán lại cho Tưởng đường sắt ở Vân Nam. Pháp cho Tưởng quyền tự do vận chuyển hàng hóa được miễn thuế từ Hoa Nam qua miền Bắc Việt Nam đến cảng Hải Phòng và ngược lại. Đổi lại Tưởng Giới Thạch đồng ý cho quân Pháp thay thế quân đội Tưởng tại miền Bắc Đông Dương, việc thay quân sẽ được thực hiện trong tháng 3/1946. Như vậy, việc 20 vạn quân Tưởng rút khỏi Việt Nam không phải do Lư Hán và Tiêu Văn được đấm mõm như luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nêu trên.
Chúng ta đều biết, trước tình thế mà Hiệp ước Pháp – Hoa (Tưởng) đặt ra, Đảng và Chính phủ ta đã thực hiện sách lược hòa với Pháp. Theo đó, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp; Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, số quân này sẽ rút dần trong thời hạn 5 năm. Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 đã đập tan âm mưu câu kết giữa Pháp và Tưởng, loại bỏ được một kẻ thù nguy hiểm; tránh được một cuộc chiến tranh chống nhiều kẻ thù một lúc khi lực lượng của ta còn yếu; tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu sau này. Đó là cuộc đấu tranh hết sức thông minh, sáng suốt, bình tĩnh, khôn khéo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.
3. Về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Các thế lực thù địch, phản động, chống cộng cực đoan luôn bịa đặt, xuyên tạc, lập lờ “đánh lận con đen”, xóa nhòa ý nghĩa của chiến tranh vệ quốc chính nghĩa chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta với chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Chúng gọi ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc là “Ngày quốc hận”, “Ngày mất nước”, “Tháng Tư đen”, chúng gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “miền Bắc xâm lược miền Nam”. Cựu Phó Tổng thống, Thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã từng phê phán về việc gọi ngày 30/4 là "quốc hận" và đòi "phục quốc" như sau: "Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà đòi phục quốc?".
Ngày 26/8/2019, một chủ kênh Youtube tự xưng “người yêu nước” đã tuyên bố: “… Từ năm 1954, Việt Nam có hai quốc gia, một quốc gia là Bắc Việt là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc gia phía Nam, Nam Việt là Việt Nam Cộng hòa. Hai quốc gia dầu cùng chung tiếng nói cùng chung lịch sử trong quá khứ, nhưng giai đoạn đó từ năm 1954 đến năm 1975, 21 năm trời là hai quốc gia khác nhau, hai thủ đô khác nhau, một thủ đô phía Nam là Sài Gòn, một thủ đô phía Bắc là Hà Nội giống y như nước Triều Tiên”.
Gần đây trong tháng 4 và tháng 5/2022, y nhiều lần tuyên bố trên kênh Youtube: “Trong giai đoạn 1954 đến 1975, Việt Nam có hai quốc gia. Những ai nói Việt Nam chỉ có một quốc gia là ngu dốt, là kẻ tội đồ của dân tộc, là kẻ phản quốc... Lời cụ Hồ nói "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi” chỉ là lời nói cảm tính của cụ Hồ và người Việt Nam”. Tuy nhiên y lại quên rằng trước đó đúng 1 năm, trong một bài viết nhận tội, sám hối với cụ Hồ trên báo mạng vào lúc 2 giờ 23 phút thứ Ba ngày 18/5/2021, y viết: “Sau khi tìm hiểu kỹ lại, tôi biết Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời, năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng Mỹ và chính quyền Ngô Ðình Diệm từ chối không tổ chức tổng tuyển cử. Trong khi đó, Cụ Hồ luôn chủ trương: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Như thế một lần nữa y lại xúc phạm lãnh tụ dân tộc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như mấy chục triệu người dân Việt từ Nam chí Bắc với niềm tin sắt đá luôn khẳng định và tin theo chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi" cũng như hiệp định quốc tế Giơ-ne-vơ công nhận chỉ có một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ...
Với âm mưu bịa đặt xuyên tạc lịch sử, xét lại lịch sử trong thời gian qua trên các đài VOA, RFA, RFI, BBC và các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, chống cộng cực đoan, dân chủ cuội được dịp hùa theo tung hô, ủng hộ luận điểm “…Từ năm 1954 đến 1975 Việt Nam có hai quốc gia, một quốc gia là Bắc Việt là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc gia phía Nam là Việt Nam Cộng hòa”. Từ đó, chúng tiếp tục xuyên tạc rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “Quốc gia miền Bắc xâm lược quốc gia miền Nam”, là “Nội chiến huynh đệ tương tàn”. Như thế cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa chống Mỹ cứu nước suốt 20 năm của nhân dân ta để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành cuộc chiến tranh phi nghĩa. Sự hy sinh tính mạng, xương máu của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ trong cả nước trở nên vô nghĩa. Nguy hiểm hơn là có một số chủ kênh Youtube, Facebook trong nước và một số người có học hàm, học vị, chức vụ trong bộ máy nhà nước, trong đó có cả cán bộ, quân nhân nghỉ hưu cũng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” tung hô và ủng hộ luận điểm “từ năm 1954 đến 1975 Việt Nam có hai quốc gia” sai trái này.
Chúng ta đều biết: ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước và tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiệp định Geneve được ký kết với các thỏa thuận: Hòa bình được lập lại, chấm dứt sự hiện diện của quân đội và chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Theo Hiệp định: Nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, song các bên tham dự Hội nghị nhấn mạnh rằng: dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ quốc gia. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”. Quân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm có các nước Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định. Như thế luận điệu “từ năm 1954 đến 1975 Việt Nam có hai quốc gia”… là xuyên tạc, bịa đặt, xét lại lịch sử với ý đồ rất hiểm độc, xấu xa cần vạch trần và lên án.
4. Cảnh giác trước sự xâm thực của cách mạng trắng trong xã hội
Ở nước ta những năm qua, trong các kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, nhiều người thực sự có tâm huyết, bản lĩnh, trình độ đã ra tự ứng cử. Khi được nhân dân từ khu dân cư tín nhiệm giới thiệu và khi trúng cử họ đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm đại biểu của mình trước Nhà nước và Nhân dân. Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng có hiện tượng một số người lớn tiếng tuyên bố “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” và dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo người khác cùng tham gia ứng cử ĐBQH nhiệm kỳ XIV và nhiệm kỳ XV. Đa số họ thuộc các nhóm “xã hội dân sự” các “nhà đấu tranh dân chủ”, “dân oan”, “No U”… Phong trào “tự ứng cử” kia thực ra là những hoạt động nhằm phục vụ ý đồ “thâm nhập và phá rối” do ảnh hưởng của thuyết “Cách mạng màu”, “Cách mạng trắng” đã âm thầm xâm nhập vào Việt Nam từ hàng chục năm qua và được truyền bá tràn lan trên khắp mạng xã hội. Đó là:“Khuyến khích các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, thay vì tẩy chay, hãy mạnh dạn nhập cuộc vào trong Quốc hội để từ đó, thay đổi cơ chế chính trị… Các nhà đấu tranh dân chủ cầm ngọn đuốc sáng trong lòng thì hãy mang ngọn đuốc rọi vào đêm tối của Quốc hội Cộng sản Việt Nam bây giờ”.
Thực tế, việc người tự ứng cử có tên trong danh sách bầu cử hay không căn cứ vào kết quả của các hội nghị hiệp thương. Quá trình hiệp thương được thực hiện một cách công khai, minh bạch từ cơ sở, khu dân cư với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Khi người tự ứng cử không được nhân dân nơi cư trú và cử tri tín nhiệm giới thiệu, qua các vòng hiệp thương bị loại thì các đài VOA, RFA, RFI, BBC cũng như một số trang mạng của các tổ chức Việt Tân, Nhân dân hành động, Triều đại Việt, “Tiếng dân”, “KTV, “Tivi tuần san”, N10TV, CCCĐ... lại được dịp kêu gào, xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn, cản trở, hay phối hợp để loại bỏ “những người tự ứng cử”. Xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ XHCN đơn đảng là “Đảng cử, dân bầu”. Hội đồng bầu cử các cấp làm theo ý Đảng, độc đảng là độc quyền, mất dân chủ, tiêu cực, không khách quan... Việc đông đảo nhân dân ta đi bầu cử dù trong tình hình đại dịch Covid-19 hoành hành và kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ XV là bằng chứng hùng hồn làm thất bại thủ đoạn xuyên tạc của thế lực thù địch.
Trong thời gian qua, trên các kênh thông tấn, báo chí cũng như các trang mạng xã hội đã có nhiều người dân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần, giai cấp, tầng lớp, nghề nghiệp, lứa tuổi đã lên tiếng phản bác, chống lại các luận điệu phản động, xuyên tạc lịch sử, xét lại lịch sử, kích động hận thù một cách tự phát và tự giác. Điều đó khẳng định lòng yêu nước và trách nhiệm công dân của đại đa số quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Dù vậy, vẫn rất cần sự vào cuộc và định hướng dư luận một cách nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời của các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy tốt nhất hiệu quả đấu tranh của nhân dân chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
NGUYỄN TUẤN ANH
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cập nhật ngày: 26/06/2022